Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

2/5/15

MƯỜI KHÁC BIỆT CƠ BẢN TRONG CÁCH NUÔI DẠY CON CÁI CỦA CHA MẸ VIỆT NAM VÀ CHA MẸ CÁC NƯỚC PHÁT TRIỂN

Nguồn: FB Vien Huynh

Ở Việt Nam, phê phán và phản biện là những điều chưa bao giờ được đón nhận tích cực hoăc khuyến khích bởi vì chúng ta đã quá quen sống với văn hóa thần tượng ảo. Chúng ta đặt ra qua nhiều hình mẫu tích cực (positive stereotype) kiểu như trong các vở kịch hay phim ảnh, công an luôn ăn nói chỉn chu, hết lòng vì dân còn người phụ nữ Việt Nam gương mẫu thì luôn phải chịu thương chịu khó hi sinh vì chồng vì con, cha mẹ thì luôn luôn cả đời lo lắng hi sinh cho con, thầy cô thì luôn mẫu mực.Đến cả khi nói về đất nước Việt Nam thì phải nhớ đến rừng vàng biển bạc. Dù chúng ta điều biết những hình mẫu đó vô cùng sáo rỗng  nhưng chúng ta đã quá quen với những điều đó đến mức khi có những lời phản biện hoặc phê phán những hình mẫu đó thì chúng ta lại nhảy dựng lên mà tìm mọi cách chống chế. Trong một xã hội phát triển lành mạnh và tiến bộ, con người không thể thiếu phản biện và phê phán xuất phát từ sự quan tâm và mong muốn xây dựng. Hôm nay tôi viết bài này với ý định phê bình những điều không tốt mà cha mẹ Việt Nam đã vô tình hay cố ý dạy con mình để từ đó chúng ta hiểu được thêm tại sao xã hội Việt Nam phát triển một cách èo uột như hiện nay. Bên cạnh nhà trường và xã hôi, cha mẹ cũng có phần trách nhiệm rất lớn trong sự phát triển của con cái mình. Những bậc làm cha làm mẹ ở Việt Nam cũng như những người sau này sẽ làm cha làm mẹ khi đọc xong bài viết này hãy bình tâm suy nghĩ lại xem mình có phạm phải những sai lầm trong cách nuôi dạy con cái sau đây không hoặc đã từng là nạn nhân của những điều sau hay không? 


1. Làm việc vì tiền không vì sở thích: Tiếp xúc với các học viên của mình, tôi gặp rất nhiều trường hợp các bạn sau bốn năm vật vã trong trường đại học theo ý nguyện của bố mẹ bắt đầu ra đi làm một công việc hầu như chẳng thích hợp với bản thân mình. Rồi sau một vài năm mất phương hướng, mất động lực và niềm tin, các bạn lại chuyển sang đi học tiếng Anh để đi dạy vì theo các bạn dạy tiếng Anh vừa dễ vừa nhàn lại kiếm được rất nhiều tiền. Tôi nói các bạn đi từ sai lầm này đến sai lầm khác vì các bạn chọn công việc vì tiền chứ không vì đam mê chân chính. Trên đời này chẳng có nghề nào vừa đơn giản vừa kiếm được nhiều tiền cả. Nghề nào cũng có người thất bại và người thành công. Họ khác nhau ở một điểm cơ bản: Người thành công trong một lĩnh vực là người đam mê và có trách nhiệm với công việc mình làm còn người thất bại xét cho cùng không thích thú với công việc mình đã chọn. 

Quan niệm làm việc vì tiền chứ không vì đam mê bắt nguồn từ cách giáo dục sai lệch của cha mẹ. Rất hiếm cha mẹ Việt Nam nào dạy con chọn nghề theo sở thích hay năng khiếu của mình mà thường hướng con đến những nghề hot, kiếm được nhiều tiền trong xã hội. Ngay từ khi cho con đi học, cha mẹ đã nhắm đến những môn học gọi là mũi nhọn như Toán, Lý, Hóa, Anh Văn để sau này cho con mình thi vào những trường đại học hot để sau này tốt nghiệp xin được việc làm kiếm được nhiều tiền. Còn nếu học hành không tốt lắm nhưng có tí ngoại hình hoặc chất giọng thì các em sẽ được đưa vào những lò đào tạo ca sĩ hay người mẫu với mơ ước trở thành ngôi sao. Thật ra điều này cũng không khó hiểu vì phần lớn những bậc phụ huynh của thời đại ngày nay đã từng sống và lớn lên trong một xã hội nghèo khó và đói kém nên việc tư tưởng mong muốn con chọn được một nghề nào đó kiếm được thật nhiều tiền để có cuộc sống sung sướng về vật chất là có thể thông cảm được. Nhưng để thoát khỏi cái tư tưởng nghèo đói và nô lệ đồng tiền đã đeo bám chúng ta hai ba chục năm nay, các bậc phụ huynh, nhất là những người có điều kiện vật chất khá giả một tí, nên hướng con mình đến những công việc mà nó yêu thích và có năng khiếu hơn là những ngành nghề theo quan niệm chung của xã hội là kiếm được nhiều tiền. Một người bạn nước ngoài đã nói với tôi một câu mà tôi luôn cảm thấy đúng: " Nếu bạn làm việc vì đồng tiền thì bạn sẽ chạy theo nó suốt đời mà không bao giờ có được. Nếu bạn làm việc vì đam mê và trách nhiệm, một ngày nào đó đồng tiền sẽ chạy theo bạn.

2. Ganh tị, ích kỷ: Trong tất cả các tài liệu giáo dục sư phạm của Mỹ mà tôi đã từng được tham khảo, tiêu chí "minimizing competion and promoting cooperation" (giảm thiểu cạnh tranh và khuyến khích hợp tác) là một trong những điều mà giáo viên phải thuộc nằm lòng để giáo dục học sinh của mình biết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau hơn là cạnh tranh về điểm số. Ở Việt Nam ta thì từ nhỏ cha mẹ và thầy cô giáo trong trường đã dạy con cái và học trò mình cạnh tranh, hay còn được gọi bằng cái tên hoa mỹ hơn là ganh đua, nhưng không giúp đỡ và chia sẻ. Ở những công viên hoặc những khu vui chơi trẻ em ở nước ta, nếu chịu khó quan sát, bạn sẽ không khó khi bắt gặp những người cha người mẹ làm ngơ hoặc khuyến khích khi con mình giành chơi với con người khác, hoặc thậm chí còn bảo con người khác nhường cho con mình chơi. Một số lớn trẻ con Việt Nam có một tính rất xấu là khi đến chơi nhà người khác, thấy đồ chơi đẹp là nằng nặc giãy nãy khóc lóc đòi mang về nhà cho bằng được còn đứa trẻ kia thì sẽ giữ khư khư trong lòng và cũng sẽ gào khóc giãy nãy không kém. Tôi đã từng thấy cảnh một đứa bé sau khi đã gào khóc chán chê vì không mang được con búp bê mà nó thích về nhà đã hậm hực bẻ tay bẻ chân món đồ chơi đó và quẳng vào mặt con bé kia rồi mới chịu theo mẹ ra về. Và những gì người mẹ đó có thể nói với con bé khổ chủ đang nước mắt lưng tròng kia là : "Em nó nhỏ hơn con, thôi con nhường em nó nhé!" Thật là vô lý khi bảo con người ta nhường cho con mình trong khi con mình sai lè ra đó chỉ vì đứa kia lớn tuổi hơn. Tính ích kỷ và ganh tị ở trẻ con vô tình được người lớn nuôi dưỡng từ những hành động nhỏ nhặt như thế. 

3. Coi thường người nghèo: Mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa trên lý thuyết là xóa bỏ ranh giới giàu nghèo và giai cấp, nhưng ở Việt Nam, mỉa mai thay cái hố ngăn cách giai cấp được đào ngày càng sâu. Hễ người nào đi xe xịn, mặc đồ hiệu, xài điện thoại xịn là được coi trọng, còn người nào đi xe cà tàng, ăn mặc đơn giản xài điện thoại cùi bắp là bị khinh ra mặt. Nhiều cha mẹ dạy con cái đừng chơi với bạn nghèo vì bạn nghèo sẽ xin xỏ, nhờ vả, hay mượn tiền hay chỉ đơn giản là không cùng đẳng cấp. Tổ chức sinh nhật thì cũng sẽ chọn những đứa có máu mặt mà mời. Chính vì vậy mà một số học sinh nhà nghèo tìm đủ mọi cách đua theo để có thể được bạn bè chấp nhận mà bất chấp sự khổ cực kiếm tiền của cha mẹ. Một số cha mẹ dạy con phải biết lễ phép thưa dạ khi gặp người lớn tuổi, nhưng những người lớn tuổi này dường như không bao gồm những người làm việc tay chân như đổ rác, phụ hồ, hay giúp việc nhà. Rât nhiều cô bé cậu bé mặc đồng phục nhà trường được cha mẹ chở đi học khi mua đồ ăn từ những người buông gánh bán bưng đáng tuổi cô bác thậm chí là ông bà mà vẫn nói trống không kiểu: "Cho mười ngàn xôi đi!".  Mấy ngày trước tết vừa rồi, tôi đã gặp được một việc mà theo tôi là rất hiếm và rất đáng học hỏi trong xã hội ngày nay là anh hàng xóm của tôi đã bảo đứa con trai lớp 6 của mình mang bao lì xì ra lì xì và chúc tết cô đổ rác của khu phố trước khi cô nghỉ tết. Ước gì cha mẹ nào cũng dạy con được những điều như vậy.

4. Coi trọng điểm số, không coi trọng kiến thức: Điểm số phản ánh kết quả học tập, điều này đúng nhưng không thật sự chính xác nhất là từ khi các phong trào thi đua mọc lên như nấm sau mưa ở các trường trên khắp bờ cõi Việt Nam ta. Từ nhà trường đến thầy cô chạy theo thi đua mà hành hạ học sinh. Chưa có một nền giáo dục nào lại có những chuyện buồn cười kiểu năm năm học sinh giỏi mà không đánh vần được mặt chữ hoặc học thêm thì được nâng điểm, không học thêm sẽ bị đì. Điểm số và thành tích cũng là một áp lực cho cha mẹ khiến cha mẹ một mặt ép con mình đi học thêm tất cả các lớp thầy cô mở, một mặt đi biếu xén quà cáp để thầy cô nâng thành tích con mình lên cho bằng bạn bằng bè. Nhiều cha mẹ coi trọng thứ hạng hoặc điểm trung bình của con (tình từ 0,1) hơn là khả năng con mình bị kiệt sức hoặc trầm cảm do học quá nhiều. Tôi đã từ chối nhiều trường hợp học viên đi học hết các trung tâm Anh ngữ lớn trong thành phố mà viết một câu tiếng Anh đúng ngữ pháp cũng không xong. Cũng có nhiều trường hợp phụ huynh đến hỏi cho con mình học thi TOEIC hay IELTS với một lý do rất buồn cười: tôi thấy bạn nó ai cũng có bằng mà con tôi chưa có chứ tôi cũng không biết bằng đó là bằng gì, có giá trị như thế nào? Dường như cuộc đua thành tích cũng quyết liệt không kém so với cuộc đua vật chất trong xã hội ngày nay.

5. Kì thị giới tính: Phụ huynh các nước tiến bộ dạy con mình sự phân biệt,hiểu biết và tôn trọng giới tính từ khi các bé còn nhỏ. Ở tuổi mẫu giáo, các bé được giáo dục sự khác biệt cơ bản giữa bé trai và bé gái, về việc giữ vệ sinh cơ thể và cách bảo vệ bản thân khi những người lớn chạm vào những nơi nhạy cảm. Đến tuổi trung học cha mẹ sẽ dạy cho con cái mình về tình dục như một điều hết sức tự nhiên và cách tránh thai an toàn. Những đứa trẻ đồng tính không bị cha mẹ kì thị hoặc xem là nỗi ô nhục. Ở Việt Nam, những câu hỏi thắc mắc về giới tính của con cái phần lớn sẽ nhận được những  câu trả lời: "Mới nứt mắt ra mà bày đặt, học hành không lo mà lo những chuyện vớ vẩn, hư thân mất nết" hay "tao cấm mày hỏi thế này thế nọ." Cha mẹ không bao giờ có đủ can đảm để dạy con gái cách tránh thai hay con trai cách bảo vệ bạn gái mình nhưng sẽ sẵn sàng tru tréo chửi bới nếu con mình lỡ dại. Cha mẹ Việt Nam chỉ biết dạy con gái giữ gìn chữ trinh vì sợ điếm nhục gia phong nhưng chưa từng giáo dục con trai mình giữ gìn cho người yêu của nó hay chịu trách nhiệm những hành động của nó. Cha mẹ Việt Nam chọn con dâu luôn đặt chữ trinh lên đầu nhưng chẳng bao giờ quan tâm con trai mình ở ngoài hại đời bao nhiêu đứa con gái. Đàn ông Việt Nam được dạy tôn thờ nhưng không tôn trọng chữ trinh. Xã hội Việt Nam ngầm đồng tình rằng chỉ có những đứa con gái lăng loàn trắc nết chứ tuyệt nhiên không có những đứa con trai vô trách nhiệm và bạc tình. Và điều tệ hại nhất là nếu con mình đồng tính thì coi như nó còn tệ hơn cả giết người cướp của. Tôi đã đọc một bài báo phỏng vấn cha của một cậu ca sĩ/nhạc sĩ đang hot nhất hiện nay trong đó ông bố nói rằng nếu con tôi đồng tính thì tôi sẽ đuổi nó ra khỏi nhà. Trong khi đó con ông ta dính hết nghi án đạo nhạc này tới nghi án copy khác thì chẳng sao. 

6. Nhận lỗi do sợ hãi: Ai nuôi con cũng phải công nhận rằng cho dù thương con mình cách mấy cũng có lúc cảm thấy mệt mỏi thậm chí là giận dữ không kiềm chế được khi con hư hoặc không nghe lời. Lúc đó phạt là phương pháp hữu hiệu nhất để trẻ không tiếp tục phạm lỗi. Tuy nhiên sự khác biệt giữa cách phạt của cha mẹ Việt Nam và cha mẹ các nước tiến bộ chính là điều chúng ta phải suy gẫm. Người nước ngoài hướng tới dạng hình phạt xây dựng "constructive punishment" (phạt để con cái hiểu được cái sai mà sửa và hình phạt luôn luôn mang tính khắc phục hậu quả do sai lầm gây ra). ví dụ, khi đứa con làm đổ thức ăn ra đất, cha mẹ sẽ không đánh con hoặc chửi con là vô dụng hay phá hoại mà sẽ bắt con dọn sạch chỗ bị vấy bẩn. Nếu con từ chối, bố mẹ sẽ cương quyết cắt đi một điều gì mà con thích ví dụ xem phim hoạt hình, ăn tráng miệng sau bữa ăn. Dần dần trẻ em hình thành một ý thức khi làm sai chúng phải làm điều gì đó để khắc phục hậu quả. Ở Việt Nam, cách dạy con theo kiểu "thương cho roi cho vọt" (corporal punishment) vẫn còn ăn sâu trong đầu óc của rất nhiều phụ huynh. Tát, đấm, xỉ vả con bằng những ngôn từ hạ thấp nhân phẩm con mình ngay cả ở những nơi công cộng nhưng không bắt buộc trẻ khắc phục hậu quả sẽ khiến đứa trẻ hình thành ý thức nhận lỗi vì sợ hình phạt, dần dần sẽ tìm cách trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác hoặc mang tâm lý phản kháng ngầm bên trong.

7Nói dối và đổ thừa hoàn cảnh: Một cách dỗ con rất đặc trưng của người Việt là khi đứa bé bị té, thay vì dạy con đi đứng cho cẩn thận đừng để vấp ngã thì người lớn (ông bà, cha mẹ) sẽ ôm lấy đứa trẻ dỗ dành và tiếp theo sẽ là điệp khúc quen thuộc "Đánh cái đất/ cái bàn/ cái ghế hư nè, mày làm em té!" Trong đầu óc đứa trẻ sẽ hình thành nên ý niệm là do đất không bằng phẳng, do bàn ghế nằm không đúng chỗ nên mình bị té chứ chẳng phải do mình đi đứng hấp tấp không trông trước trông sau. Và sau này bất cứ lỗi lầm nào dù lớn dù nhỏ của nó đều do ngoại cảnh tác động chứ nó không cần phải chịu trách nhiệm. Và tôi dám cá rằng không ít người trong chúng ta từng được cha hoặc mẹ dặn rằng "Nếu bác X hay cô Y đến tìm thì nói là bố/mẹ không có nhà nhé!". Người Việt ta có câu "đi hỏi già về nhà hỏi trẻ" với hàm ý trẻ em không bao giờ biết nói dối. Chính vì vậy mà rất nhiều bậc cha mẹ đã dạy con mình nói dối khi có người hỏi nó về mình. Ví dụ: "Nếu bố hỏi con mẹ chiều nay đi đâu làm gì thì con cứ nói là mẹ ở nhà nhé!" hay "đừng nói cho mẹ con biết là mấy chú qua rủ bố đi nhậu, cứ nói là bố đi công việc là được!" Người lớn biến trẻ con thành một thứ công cụ nói dối nhưng mặt khác lại nổi điên lên khi phát hiện con cái nói dối mình. Hãy nhìn lại xã hội mà chúng ta đang sống, nói dối và chuyền quả bóng trách nhiệm từ cấp này sang cấp khác, từ người này qua người kia đã trở thành căn bệnh trầm kha đến mức mở tờ báo ra, ai cũng phải ngán ngẩm thở dài: "Haizz, họ lại tiếp tục đổ thừa cho nhau, chẳng ai thèm chịu trách nhiệm cả!". Đường cao tốc bị nứt lún ư? Tại thời tiết. Cầu sập ư? Tại cầu xây để đi chứ không phải để chạy. Chặt cây ư? Tại đơn vị X, đơn vị Y nào đó hối thúc. Nói chung là tại tất cả mọi thứ từ con giun con dế cho tới tại mặt trời mặt trăng chứ chẳng bao giờ tại bản thân mình cả. 

8Sợ tiếng thị phi hơn sợ làm trái lương tâm: Người Việt chúng ta luôn đề cao lễ nghi truyền thống gia đình, điều đó không có gì xấu. Nhưng nếu chúng ta sống mà chỉ biết lo bảo vệ danh giá gia đình hơn là làm việc đúng với lương tâm và đạo đức thì đó là điều đáng lên án. Con gái mình chửa hoang ư? Tuy không đến nỗi gọt đầu bôi vôi như trước nhưng cũng chẳng thiếu những câu chì chiết kiểu mày làm điếm nhục tổ tông, hay dòng họ nhà tao không có thứ gái hư như mày rồi bắt con gái phá thai. Xin lỗi con gái chửa hoang trước nhất lỗi là do cha mẹ không giáo dục con mình cẩn thận về tình dục an toàn chứ chả liên quan tới tổ tông ông bà gì trên bàn thờ cả. Hay là trai chưa vợ lỡ quen và yêu một cô gái giữa đường gãy gánh hay tệ hơn nữa có một đứa con riêng ư? Tao nuôi mày ăn học tử tế đâu phải để mày lấy gái nạ dòng làm xấu mặt dòng họ hay nhà tao không có thứ con dâu đã qua một đời chồng. Vậy người con gái lỡ làng không được quyền có hạnh phúc sau này hay sao? Hay là những cô gái như vậy chỉ xứng với những người đàn ông cũng dở dang hoặc làm vợ bé người khác? Con trai mình làm con gái người khác có thai ư? Gia đình này không chấp nhận thứ con gái chưa lấy về đã chửa hoang? Hay tệ hơn nữa, chưa chắc đứa con trong bụng nó là con của mày đâu. Những chuyện tưởng như chỉ còn trong những tuồng cải lương sến sẩm ngang trái mấy chục năm về trước lại không thiếu trong xã hội văn minh hiện đại ngày nay. 

9. Cãi nhau trước mặt con cái: Bát đũa trong chạn có ngày cũng khua, đừng nói chi con người sống chung với nhau. Nhưng nếu để việc cãi vã chửi bới thậm chí dùng vũ lực với nhau trước mặt con cái thì đó là một tội lỗi của người làm cha làm mẹ. Tôi không trách những người làm cha làm mẹ giới lao động vì môi trường và cuộc sống của họ khiến con người họ trở nên thô lỗ cộc cằn. Nhưng tôi vẫn thấy nhiều gia đình cha mẹ làm công việc tay chân nặng nhọc cũng chưa bao giờ chửi bới nhau trước mặt con cái. Trong khi đó nhiều gia đình gọi là trí thức vẫn nhục mạ xỉ vả nhau trước mặt con cháu mình để bao nhiêu cái xấu cái tồi tệ nhất của mình đều phơi bày rõ ràng trước mắt trẻ thơ. Không thiếu những ông giám đốc hay giáo sư khi nổi nóng cũng văng tục chẳng kém gì anh xe ôm ngoài đầu phố và cũng không thiếu những bà trưởng phòng phó phòng khi lên cơn ghen cũng nhảy đôm đốp, gào thét như mụ điên trước mặt con mình. Ở các nước tiến bộ, cha mẹ chỉ cãi nhau trong phòng riêng và khi con cái đã ngủ. Ngay cả khi li dị, cha mẹ cũng sẽ tìm mọi cách để giải thích cho con mình nghe một cách văn minh nhất và ít tổn thương nó nhất. Ở Việt Nam, thường thì con cái có cha mẹ li dị sẽ lãnh đủ những thù hận mà cha mẹ thay phiên nhau nhồi vào đầu nó khi có dịp gặp con như thể việc con mình sống thiếu cha mẹ vẫn còn chưa đủ bất hạnh cho nó. 


10. Bắt con cái phải ghi nhớ công ơn của mình: Trong quan niệm Á Đông chữ hiếu luôn được đặt lên hàng đầu. Từ biết bao đời nay, trẻ em Việt Nam đứa nào cũng thuộc nằm lòng câu: "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Hiếu đạo với cha mẹ nếu xét về mặt bổn phận và đạo đức thì không phải là một điều gì sai trái thậm chí là một điều đáng khuyến khích. Nhưng nếu dùng chữ hiếu để ép buộc con cái thì điều đó là một điều trái đạo đức của cha mẹ. Người Âu Mỹ quan niệm rằng: "Con cái do mình tạo ra chứ nó không đòi xuất hiện trong cuộc đời này nên khi mình tạo ra con cái, mình phải có trách nhiệm nuôi dạy nó nên người. Khi con cái lớn khôn, nó có bổn phận lo cho thế hệ sau của nó." Người già khi yếu sức sẽ tự mình vào viện dưỡng lão để sống, con cái hàng tuần đến thăm nom, không làm phiền đến cuộc sống của con mình.  Rõ ràng, họ có một quan niệm tiến bộ về sự hi sinh, người già hi sinh cho người trẻ, thế hệ trước hi sinh cho thế hệ sau. Nhưng điều đó không có nghĩa là con cái ở các nước tiến bộ không chăm sóc thương yêu cha mẹ lúc về già.  Tôi có anh bạn người Mỹ đồng nghiệp có gia đình và công việc ổn định ở Việt Nam, nhưng khi bố anh ấy bị bệnh, anh ấy vẫn dẫn vợ con về Mỹ để chăm sóc cho cha những ngày cuối đời. Đối với tôi, đạo hiếu là một điều hết sức tự nhiên gần như là bản năng của con người vì không ai có lương tâm lại bỏ rơi cha mẹ lúc già yếu bệnh tật cũng như tình thương của cha mẹ dành cho con cái phải là vô điều kiện. Nhưng có rất nhiều cha mẹ ở Việt Nam lợi dụng chữ hiếu để ép con làm việc trái lương tâm, bán con làm gái, ép gả Đài Loan hoặc can thiệp vào chuyện riêng tư của con, quyết định mọi thứ thuộc về con mình. Nhiều người dường như sợ con cái mình quên công ơn của mình đã nuôi dạy nó nên luôn luôn tìm cách nhắc nhở: Tao nuôi mày bao nhiêu khổ cực tới ngày hôm nay để rồi mày cãi lời tao hay sao? Nuôi con mà kể thì tốt hơn hết sinh con xong đem cho trại mồ côi cho xong. Xem Vietnam's Got Talent mùa này, tôi có một ấn tượng rất đặc biệt với cô bé 12 tuổi được mệnh danh là tiểu Uyên Linh không phải vì giọng hát mà vì nét mặt luôn căng thẳng sợ sệt của cô bé. Trong clip hậu trường, mẹ cô bé đã nói thế này  trước khi con mình ra sân khấu: "Con thi kì này phải hát cho thật tốt để đừng phụ lòng mẹ đưa con đi thi nha!" Câu nói đó của người mẹ khiến tôi sửng sốt, đưa con đi thi nhưng bắt con phải thi cho tốt đừng phụ công ơn của mình ư? Vậy còn điều gì mà không kể công ở đây? Đến vòng bán kết, cô bé ấy chia sẻ: "Nhà con cãi nhau về việc chọn bài hát nào cho con thi hát vòng này đến mức mọi người giận nhau không nói chuyện với nhau" Một lần nữa tôi lại bị câu nói vô tình ấy làm khó chịu: cô bé này rõ ràng đi thi với một áp lực rất lớn từ phía gia đình và dường như cô bé chỉ được thắng chứ không được thua. Thử tưởng tượng nếu cô bé ấy không lọt tiếp vào chung kết thì cha mẹ của cô bé sẽ đối xử với con mình ra sao vì đã dám cả gan phụ lòng của cha mẹ? Tôi thật sự không dám nghĩ mà chỉ cầu mong cho cô bé vào được chung kết.

Một lần nữa, tôi xin khẳng định mình không có ý vơ đũa cả nắm hoặc chỉ trích những bậc phụ huynh ở Việt Nam. Ở góc nhìn của một người làm nghề sư phạm, tôi chỉ nói lên những điều thiếu sót mà chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được vì tương lai của con cháu chúng ta sau này ngày một tốt đẹp hơn. 

VIỆT NAM YÊU DẤU